Cuối cùng, điều tôi không mong đợi đã đến. Nó đến nhanh hơn tôi tưởng. Đến bất ngờ, nó nằm trong cái bao màu hồng xinh xinh. Một mùi hương ngát lên khi tôi mở ra. TH, hai cái tên nằm cạnh nhau, hài hòa đến tuyện mỹ...
Anh kể cho tôi nghe chuyến thực tập vừa qua, về những cái ngông của đám bạn rồi kết luận:
- Sinh viên mỹ thuật tên nào cũng hơi điên điên đấy!
Tôi cười dí ngón tay vào mũi anh:
- Anh có điên không?
Anh nắm lấy tay tôi, bóp mạnh.
- Anh cũng đang sắp điên đây này, em muốn anh bẻ ngón tay em không?
Tôi la lên:
- Ui da! Má ơi cứu con! Có người điên bẻ ngón tay con kìa!
Anh buông tay tôi, ngơ ngác nhìn xuống nhà dưới:
- Má đâu?
Tôi cười như nắc nẻ.
- Tỉnh rồi ha anh, người điên gì mới hù có chút xíu mà đã biết sợ. Má đi chợ rồi!
Anh cốc tôi một cái đau điếng:
- Mai mốt còn gạt anh như vậy, anh đánh đòn nghe không!
Tôi hiền dịu:
- Dạ, em sợ rồi, mai mốt hông dám nữa. Nhưng bây giờ thì...
Tôi nhanh tay véo tai anh thật mạnh rồi co giò chạy xuống sau nhà. Một lúc sau, hai tay hai ly nước chanh. Tôi nghiêm trang đi lên:
- Mời họa sĩ dùng nước ạ.
Anh vuốt tóc tôi:
- Có thế chứ, cô bé!
Tôi gạt tay anh làm ly nước sóng sánh:
- Không được kêu người ta là cô bé nữa. Người ta lớn rồi, sinh viên rồi chứ bộ.
Anh nheo mắt:
- Ồ, nghiêm trọng vậy sao, thưa nữ sĩ!
Tôi nhăn mặt:
- Không được chọc em nữa à nha. Em giận bây giờ đó.
Anh làm hòa:
- Thôi, thôi, được rồi. Không cô bé, không nữ sĩ nữa. Mình huề?
Tôi im lặng, nghe lòng dịu lại. Một tia nắng lọt qua cửa sổ đậu xuống mái tóc bồng bềnh của anh. Bạn bè tôi thường bảo "Hậu của mày có mái tóc rất nghệ sĩ". Khuôn mặt anh có nét dịu dàng với nước da trắng, đôi môi đỏ, nét mày thanh tú. Khi chúng tôi đi chung với nhau, người ta thường bảo cặp này trông lạ. Tôi có nước da ngăm ngăm, khuôn mặt tròn với cái mũi nhỏ xíu, hênh hếch. Cái đầu ngông nghênh một mái tóc ngắn cũn. Một đứa bạn bảo tôi: Mày lúc nào cũng ngó ngoáy lia lịa như con khỉ con". Rồi lại nhận xét: "Đôi lúc, Hậu của mày trông như hiền triết"...
Anh thường chạy xe rất cẩn thận chở tôi dạo trên những con đường rợp bóng cây. Nhiều lúc, tôi phát chán, hối anh chạy nhanh hơn, anh bảo:
- Em không thấy con đường này rất đẹp sao.
Tôi dấm dẳng:
- Em thích mình phóng nhanh. Gió ù ù bên tai, cảm giác thật tuyệt khi mọi thứ vụt qua.
Anh hỏi:
- Lúc nào em cũng chạy xe thế à?
Tôi vênh mặt:
- Vâng, sáng nào em cũng dậy tr. Phải phóng xe nhanh mới kịp giờ, chứ đi như anh thì hết buổi học còn gì.
Anh dịu dàng như bà mẹ:
- Chết, em chạy từ từ thôi. Ráng dậy sớm một chút. Xe cộ bây giờ ẩu lắm. Lỡ có chuyện gì thì sao....
Tôi xụ mặt:
- Anh trù em hả?
Anh cười:
- Đâu có, anh chỉ nhắc chừng em thôi mà.
Tôi im lặng cắt đứt cuộc đối thoại. Một lần gặp nhau, cứ vui vẻ một chút lại có chuyện, mà nguyên nhân đa số là tại tôi luôn có ý kiến bất đồng với anh.
Tôi và Hậu quen nhau đã hơn một năm. Lần ấy, Lâm, anh họ tôi, là sinh viên đại học Mỹ thuật, dẫn tôi vào lớp ngồi mẫu cho anh vẽ chân dung. Không quen ngồi mẫu nên khi lưng cứng đơ, tôi rất khó chịu, cứ ngọ nguậy suốt khiến Lâm phải nhắc chừng luôn. Anh, lúc ấy cũng đang vẽ gần đấy, thấy tôi như vậy, cứ tủm tỉm cười hoài. Gần một buổi sáng mà Lâm chưa phác thảo xong bức chân dung. Tôi phát cáu:
- Thôi, em chẳng ngồi mẫu nữa đâu, mệt mỏi quá rồi.
Lâm cũng quăng cọ:
- Em cứ ngó ngoáy như vậy làm sao anh tập trung được.
Tôi không vừa:
- Chứ không phải tại anh vẽ dở sao!
Đang há mồm đôi co với ông anh họ, tội chợt sững lại khi thấy anh bạn của ông anh nhìn chúng tôi tủm tỉm cười. Tôi ngó xuống chân, bối rối nói với Lâm:
- Em về đây, bữa nào em kêu nhỏ Đào đến ngồi mẫu cho anh. Nó hiền lắm, chắc là thích hợp hơn em đấy.
Lâm nhăn mặt:
- Chết anh rồi, bài sắp chấm mà anh chưa vẽ được gì cả. Hay là mai em đưa bạn em tới đây được không!
Tôi cười cười:
- Được, nhưng anh phải đãi em một chầu cơ đấy.
Lâm mừng rỡ:
- Ừ, ừ, ngay bây giờ anh sẽ dẫn em đi ăn.
Quay sang anh bạn lúc nãy, Lâm rủ:
- Đi ăn với tụi này không Hậu? Cũng đến giờ cơm trưa rồi.
Hậu lại mỉm cười:
- Ừ, thì đi.
Tôi nghĩ bụng: cha này bị "ma cười" hành sao mà nãy giờ cứ tủm tỉm hoài (?)
Sau khi bức chân dung hoàn thành thì tôi và Hậu đã thân nhau. Nhỏ Đào cũng thân với Lâm. Bọn tôi thành hai cặp tính tình trái ngược: Lâm quậy, Đào hiền, Hậu hiền, tôi lí lắc. Cặp Lâm và Đào có vẻ ngọt ngào, tình tứ vì nhỏ Đào rất ngoan, Lâm nói gì nó cũng gật và chìu ý. Còn chúng tôi lúc nào cũng chỉ vui được lúc đầu, sau đó là tranh luận, cãi cọ rồi đến tôi giận dỗi còn anh thì ngồi im hút thuốc hoặc làm huề với tôi. Anh hơn tôi gần 10 tuổi nên rất rộng lượng. Tôi luôn cảm phục anh vì điều đó nên cuối buổi đi chơi, tôi lại lặng lẽ ngồi sau lưng anh, chầm chậm ngắm người xuôi ngược, lòng cảm thấy bình an và nhẹ nhõm.
Anh không có nhiều thì giờ cho tôi vì ngoài giờ học anh phải đi chép tranh để kiếm sống. "Học Mỹ thuật tốn kém lắm". Anh thường bảo tôi vậy. Mỗi lần lãnh lương, anh chỉ giữ lại một khoản nhỏ để tiêu xài, còn lại là đi mua màu hết. Học lớp sơn dầu, màu càng mắc hơn. Anh sống tự lập đã gần 10 năm. Trước đây, anh định làm thầy giáo nhưng rồi niềm đam mê hội họa đã kéo anh ra khỏi cái công việc mà theo anh là: công chức mẫn cán. Anh tâm sự với tôi: " Người ta sống phải làm được cái gì đó mãi mãi tồn tại, ngay cả khi mình đã chết đi". Phần lớn những buổi đi chơi hiếm hoi, anh lại dẫn tôi vào các gallery để xem tranh. Nhiều bức tranh, nhất là tranh trừu tượng cứ làm tôi hoa mắt lên, chẳng hiểu gì. Anh bảo "Xem tranh không cần hiểu mà phải cảm nhận". Nhiều lần, anh chỉ cho tôi: Bức tranh này của Picasoo, bức này của Léonard de Vinci, của Titien, rồi Goya...Nhưng tôi thường lẫn lộn luôn. Có lần, tôi nhầm bức "Hoa Diên Vĩ" của Van Gogh là anh của Picasso làm anh cười chảy nước mắt...
Trường tôi chỉ cách trường anh một khoản đi bộ ngắn. Thỉnh thoảnh, tôi rủ nhỏ Đào sang chỗ anh vào buổi trưa. Nhỏ Đào hay mắc cở. Nhìn mấy bức tượng ở tiền sảnh trường Đại Học Mỹ Thuật, nó đỏ bừng mặt. Tôi cũng hơi ngượng nhưng sắc tố của tôi lặn đâu hết nên má tôi không đỏ tí nào. Lâm rất thích thú khi thấy hai má Đào ửng hồng. Hậu hỏi tôi:
- Em không mắc cỡ khi nhìn tượng khỏa thân sao?
Tôi rắn rỏi đáp:
- Vẽ đẹp thân thể con người khi được chiêm ngưỡng qua cái nhìn nghệ thuật thì sao lại đỏ mặt. Chỉ khi nào có ý nghĩ vẩn đục thi mới xấu hổ.
Anh đồng tình:
- Ừ, cái đẹp thân thể con người là cái trác tuyệt
Tôi tò mò nhìn anh:
- Thế anh có vẽ tranh khỏa thân không?
Anh nhìn tôi:
- Có chứ, đó là phần bắt buộc của chương trình học mà. Đến lúc này thì tôi thấy hai má mình nóng ran.
Thời gian trôi. Tôi đã lên năm thứ hai. Chương trình học nặng hơn, tôi không la cà nhiều. Anh cũng vùi đầu vào bảng màu, khung vải chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp. Những lúc gặp nhau, tôi và anh ít còn dịp để mà tranh cãi, giận hờn... Anh nói nhiều với tôi về ước mơ ngày ra trường. Anh sẽ lang thang một năm, đi khắp nơi để quan sát, để vẽ.
Tôi băn khoăn:
- Anh không lo gì cho tương lai sao? Một gia đình chẳng hạn?
Anh cười, nhắc lại câu nói ngày nào. Tôi ngắt lời anh:
- Lỡ anh không làm được gì để lại ngày sau thì sao?
Anh hứa sẽ vẽ cho tôi một bức tranh thật đẹp. Một cánh đồng hoa dại, tím chân trời. Những cánh bướm rập rờn, bầu trời bàn bạc tím, một cô bé với mái tóc tím tung bay. Tôi hỏi anh:
- Cô bé ấy là ai hả anh?
Anh vuốt mái tóc ngắn cũn của tôi.
- Dĩ nhiên cố bé với mái tóc dài rồi, không phải cái đầu ngắn này đâu.
Tôi vùng vằng:
- Không thèm, Anh đừng vẽ ai cả. Một cánh đồng đầy hoa bướm là được rồi. Mà sao lại là màu tím nhỉ?
Cuộc sống đôi khi không như người ta nghĩ. Thực tế làm cho những ước mơ sớm lụi tàn. Ra trường, sau một tháng tìm việc, anh được nhận vào làm giảng viên của một trường Mỹ thuật ở thành phố khác. Thỉnh thoảng về thăm tôi, anh đăm chiêu, ít cười. Tôi nhắc anh ước mơ ngày nào. Anh thở dài:
- Em còn nhỏ, chưa sống tự lập nên không biết đấy. Anh thì đã mười năm rồi. Gần nữa đời người rồi anh vẫn chưa có gì. Bạn bè anh phần lớn đã có sự nghiệp, gia đình, nhà cửa... anh phải bắt đầu thôi.
Anh ít về dần. Tôi hỏi tại sao? Anh bảo bận lắm. Tôi lờ mờ nhận ra có cái gì đó đang rạng nứt. Nhiều đêm, tôi không ngủ được vì nhớ anh. Nhớ đến quay quắt lòng. Sáng vào lớp, nhỏ Đào hỏi sao mắt bị sưng thế. Tôi nói dối: Chả sao cả. Hôm qua tao uống cà phê nên khó ngủ.
Rồi anh Lâm bảo tôi:
- Hậu nó có bồ rồi, một cô kế toán chung trường, hơi lớn tuổi nhưng mà nhà khá giả. Ba má cô ấy hứa sẽ cho hai người một căn nhà sau khi cưới...
Tai tôi ù đi, tôi cố nén nhưng nước mắt cứ trào ra. Anh Lâm an ủi: Thôi, bỏ đi em. Em còn nhỏ, tương la còn dài.
Tôi vùi đầu vào học. Tôi nhận chỗ dạy kèm. Tôi đi làm thêm... Tôi bận rộn từ sáng đến 9 giờ tối mới về đến nhà. Ngày tháng qua, tôi thấy mình già dặn, tim như chai lại, rồi cũng dần bớt đau khi nghĩ về chuyện cũ. Đến một hôm, tôi chợt nghĩ: anh đã chọn điều tốt đẹp cho anh và người anh yêu. Cuộc sống là một sự chọn lựa giữa điều này và điều kia. Rồi đây tôi cũng chọn được điều tốt đẹp cho chính mình....
Đêm qua, tôi mơ một giấc mơ đẹp. Tôi thấy mình đang nhẹ nhàng chạy lướt trên một cánh đồng đầy hoa: Những cánh bướm rập rờn, không chỉ một màu tím huyền hoặc mà cánh đồng rực rỡ nhiều màu sắc khác. Chợt một bụi hoa niếu chân tôi lại làm tôi té sấp. Một cánh tay rắn chắc nâng tôi lên. Một giọng nói ấm áp: bé ơi, dậy đi, bay lên nào. Tôi thảng thốt: Anh ư... Rồi bưng tỉnh.
Ngoài kia, mặt trời đang chiếu những tia nắng đầu tiên ấm áp. Tiếng chú sáo trong lồng đang véo von. Tôi nằm im, chợt nhận ra đã lâu sao mình không cảm thấy và nắm bắt sự tuyệt này. Tôi vùng vậy, kéo mạnh bức màn. Một làn gió ùa vào. Ánh ban mai như xua tan nốt cái màu tím huyền hoặc của hoặc của giấc mơ đêm qua.
Kết Thúc (END)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Post a Comment
Ghi lời nhận xét của bạn vào khung dưới đây. Trong mục "Nhận xét với tư cách", nếu bạn không có các tài khoản Google, Wordpress,... thì có thể chọn "Tên/Url": Ghi nickname bạn muốn hiển thị và ghi Link bạn muốn giới thiệu với mọi người(blog hoặc website..., bạn có thể bỏ trống phần này). Hoặc nếu bạn muốn ẩn danh thì chọn phần "Ẩn danh". Sau đó click vào "Đăng Nhận Xét"!
- Đề nghị các bạn không nói tục, nói bậy, dùng những lời lẽ quá khích khi nhận xét. Những trường hợp như vậy mình sẽ xoá ngay.