Cỏ dại
Anh Nga
Có một dạo cả khu phố xôn xao vì thằng Kì điên. Kì có một dáng người rất thể thao mà bất cứ quí ông bụng bia nào cũng thèm muốn. Một khuôn mặt nam tính nhờ ánh mắt đăm đăm nhìn về phía trước. Một bộ râu Nguyễn Cao Kì có thể thách thức sự khéo léo của các nhà tạo râu mốt nhất hiện nay. Mái tóc Kì điên dài, đen nhánh, thẳng đuột, chạm eo một tuần một lần gội bằng sansilk bồ kết.
Kì điên có một đôi chân dài, bắp đùi săn chắc, bước đi thẳng đều. Loại quần áo duy nhất Kì điên mặc khi rét cũng như khi lạnh đó là áo phông đen, quần soóc trắng. Kì khoác chéo chiếc túi vào, từ xa, có người nhầm Kì với một anh sinh viên mĩ thuật hầm hố. Kì bước những bước chân sải dài cứ như kiểu nhằm thẳng quân thù mà bắn. Thoắt cái thấy Kì điên ở Ngã Tư Sở, độp cái đã lại nhìn thấy bóng soóc trắng mạnh mẽ trên vỉa hè phố Huế, kia lại thấy bộ râu Cao Kì ở khu phố cổ. Nhưng thể nào đi chăng nữa thì Kì vẫn về đến nhà, ít khi nào thấy Kì ngủ lang chạ hay vật vờ đâu đó. Nhiều người phải công nhận Kì - nếu không điên thì có thể được coi là chàng trai đẹp. Khối cô khối bà đã nhìn Kì với ánh mắt khác lạ. Nó như vuốt ve bước chân Kì, thầm mơ mộng, chạnh lòng so sánh, thầm tiếc rẻ, tặc lưỡi, thầm rủa mình, tiếc, rồi lại thở dài tự nhủ mà rằng: nó là thằng điên!
Kì điên không câm không điếc nhưng cả ngày chẳng nói một câu. Sống với mẹ và vợ chồng người anh, thỉnh thoảng khi không đi lang thang quanh các phố, Kì vào vườn nhổ hết những loại cây dại nho nhỏ, tìm những bộ rễ cây đập hết đất rồi cho vào mồm nhai một cách ngon lành. Cây nào có rễ to, Kì dùng đũa cả, ngồi tỉ mẩn đào từng tí đất xung quanh gốc cây, có khi bới bằng tay, ngày ngày tháng tháng. Cứ thế cho đến khi đống đất quanh gốc cây trốc ra, Kì lấy đũa cả làm cưa, hùng hục một cách say mê. Vừa cưa, đầu Kì vừa lắc lư. Thằng Tí con của anh cả quả quyết rằng, Kì điên đang hát bài: "Cái đầu ông sư lắc lư...", rồi như tỏ ra hiểu biết quá rõ về ông chú điên, thằng Tí hát, ăn khớp nhịp nhàng với cái đầu Kì đang chao đảo. Bệnh điên của Kì không nguy hiểm, không đập phá, không ảnh hưởng tới ai, không giống thằng Sơn đầu bạc điên tình, chuyên đi rình ôm đàn bà béo tốt xinh đẹp. Thỉnh thoảng, chị dâu lầm bầm: Điên, hay thằng Tí lè lưỡi: chú Kì hâm nặng, Kì chả nói hay phản ứng gì, nhưng mỗi lần nghe tiếng thở dài của mẹ, Kì lại ngây người, buồn bã.
Đêm. Kì ít ngủ. Nhẩn nha như một cái bóng chập chờn. Chị dâu ái ngại mỗi khi thấy Kì nhìn vào buồng ngủ, anh trai Kì bảo: "Ôi dào, trước đây, bố và nó vẫn ngủ chung ở buồng này, bây giờ, bố chết, nó nhớ ấy mà". Chị dâu nguýt, "phải đề phòng, nhỡ chú Kì lên cơn". Anh trai Kì cười, nụ cười méo mó "nó điên, biết gì đâu..."
Anh trai Kì hơn Kì 6 tuổi, người ốm nhom, trông lụ khụ. Đợt đi nghĩa vụ, anh Kì đủ tiêu chuẩn thể lực nhập ngũ nhưng vì bố Kì là thương binh nặng, lại sắp mất, mẹ già, em trai điên nên được miễn. Bố Kì mất để lại cho Kì một sổ tiết kiệm nho nhỏ. Chỉ có mẹ và Kì mới lấy được tiền lãi, Kì thì điên, mẹ thì già, việc lấy lãi hàng tháng đều do chị dâu Kì lĩnh và chi tiêu. Chị dâu tốt nhưng khổ nên hơi cáu bẳn.
Kì không bẩn thỉu, kể cả những lúc lên cơn ăn rễ cây xong Kì cũng tắm rửa sạch sẽ, mặc bộ quần áo hai màu đen trắng, chải lại mái tóc dài óng mượt. Đôi khi Kì tự vuốt ve tóc như một người đàn ông đắm đuối mê mẩn vuốt mái tóc của người yêu. Đôi chân dài chắc khoẻ lại muốn đi, và Kì bước, những bước chân dài, dứt khoát. Có lần, Kì vào công viên khi trời nhập nhoạng. Bóng cây ánh đèn chập chờn thấp thỏm. Mặt hồ đen sẫm loang loáng ánh trăng lưỡi liềm. Gió mơn man làm mái tóc Kì bay bay. Công viên ban tối không có những đứa trẻ như thằng Tí. Mấy lần, những người đàn bà trông xinh hơn chị dâu cứ đụng chạm vào người Kì. Mắt họ ướt, môi đỏ, lả lơi, nhưng Kì cứ điềm nhiên như không, vẫn sải những bước dài vững vàng. Tới cây xà cừ gốc to nhất ở công viên, Kì ngưng bước, ngắm nghía, con mắt ánh lên vẻ thích thú tột độ. Chợt ánh mắt Kì chạm vào một hình khối lụp xụp dưới gốc cây. Thấy lạ Kì ngồi trên ghế đá đối diện ngắm nhìn. Lần đầu tiên trong đời Kì thấy người đàn ông và đàn bà làm tình. Tự dưng Kì thấy tội nghiệp cái gốc cây, Kì lên cơn khùng, xộc đến, giằng hai người ra một cách thô bạo. Mặc cho bọn người hoảng sợ nháo nhào, Kì bới tay quanh gốc cây, đào đào bới bới tuyệt vọng, rồi đi. Khi rửa tay bằng nước hồ, Kì còn ấm ức quay lại nhìn cây xà cừ như đe doạ sẽ chiến đấu với một kẻ vô hình. Từ đó, người ta cảnh giác không cho Kì vào công viên nữa vì sợ gây mất trật tự an ninh hoặc hành hung người khác, dù Kì chưa đánh ai cả .
Có một người đàn bà rất quan tâm đến Kì điên. Người đó không thu hút đàn ông bằng vẻ đẹp lồ lộ mà luôn có vẻ che giấu ngấm ngầm một ngọn lửa rừng rực bên trong. Chồng làm sếp, đi Tây, cặp bồ, liên miên, tiền nhiều, tiêu cũng liên miên. Thôi thì tình yêu bây giờ đào đâu ra, biết chất nhau rồi, may mà bà cũng đẹp, để cho ông sếp có danh có vợ. Ôi dào tình nghĩa thôi, việc ai người đó làm, chồng không chạm vợ, vợ không chạm chồng, thế là đủ. Thú vui trên đời này tìm không thiếu, bỏ ra một tí đô có thể tìm thấy nguồn vui dễ dàng. Chẳng hạn như ông chồng thích trò từ thiện, khi đến thăm trẻ lang thang học nhân đạo bên Đông Anh, nhìn chúng nhận vở, nhận bánh nhận kẹo, những nụ cười, ánh mắt khao khát được bóc gói quà xem từng bìa vở... nhìn nhận ông với một tấm lòng thành kính và tin tưởng. Chúng có biết đâu ông cũng đang nghĩ chả mất bao nhiêu lại được cái tiếng nhân đức, để ghi công xoá nợ lương tâm sau này. Nhìn mấy đứa bệnh đao, tâm thần nhớt dãi hỏi những câu ngớ ngẩn, ông cười tươi, ân cần hồ hởi, gật gù ra chiều ông cháu mình tình ý tình củm với nhau lắm. Lên xe, thoát khỏi không khí tật nguyền, dớ dẩn, ông thở phào nhẹ nhõm. Phải chấp nhận thôi, ngoại giao là vậy. Cứ như hai đứa con chót có với bà ấy, ông móc ngoặc cho đi du học chả mất xu nào. Tống chúng sang châu Âu, sống cho tự do. Đấy, bố tạo điều kiện cho chúng mày, bố không sống thay được chúng mày, ông dạy hai cô bé tiểu thư, cho nên chúng mày liệu liệu cái thân đấy, không có lại bảo bố mẹ kìm kẹp không cho con cái tự do, không cho con cơ hội phát triển. Hai cô bé đỏng đảnh nguýt bố. Đuôi mắt đa tình vén cong. Làn môi mịn sung sướng. Đúng là tiểu thư, cười tiểu thư, hờn dỗi có kiểu, lườm có kiểu, giận có kiểu. Mà kiểu gì cũng sang trọng, cũng duyên lạ thường. Kiểu duyên có lí có tình. Còn bà ấy, một ngày nên nghĩa vợ chồng, ngủ với nhau có hai mặt con rồi, sao chưa bao giờ yêu được nhỉ? Nhiều đêm, khi ngắm cô nhân tình, ông ngẫm nghĩ: Thế này có phải là yêu không? Nếu không tiền cho em khi chia tay, không tiền cho em đổi điện thoại siêu hiện đại, siêu nhẹ, thì mình còn là anh, còn là người yêu thanh niên tính của em ơi nữa không? Hay yêu nó khác? Nó thế nào nhỉ? Vài năm nữa, liệu mình còn có cơ hội biết yêu là gì không? Mà thôi, kệ. Quên đi, việc gì phải nghĩ ngợi nhiều cho nó hao người. Mình đang trên chiếc giường êm ái với một con đàn bà thơm tho với những câu yêu mật ngọt và nó nói nó yêu mình. Hôm nay nó yêu mình, mai thế nào tính sau, thế chưa đủ sao? Ông cười trong bóng đêm, mãn nguyện.
Người đàn bà cười trong đêm, khi nhìn xuống mảnh vườn nhỏ nhà kế bên. Nơi ấy, Kì mải miết đào. Mặc cho những ngón tay sưng, mặc cho cho chiếc đũa cả gãy làm đôi, mai chị dâu lại mắng Kì, lại sưng cái mặt kêu giời ở đâu chẳng xuống mà xem thằng điên nó hành cái đũa cả. Kì cười, hàm răng không hút thuốc bao giờ nhe ra, vô tư trong màn đêm. Cái đầu chợt lắc lư theo điệu nhạc đầu ông sư.
Gió về. Không hiểu loại gió gì mang theo những cung bậc trạng thái, kích thích con người, những người đang hứng cơn gió cô đơn, cơn gió tình, cơn gió biết đi tìm tình... Bộ quần áo trên người đàn bà khẽ lay động, lụa xịn nên mát, nhưng không thoa dịu sự đụng chạm nhè nhẹ của tự nhiên mà càng làm người mặc nôn nao, khao khát cái gì đó không thể kìm nén mãi. Ban công trồng ít nhài. Thứ hoa đĩ, hoa tình, nở trong đêm, trắng muốt, thơm nhức mũi. Bà nhớ ngày xưa, khi còn ngây thơ chưa biết thói lọc lừa của đàn ông là gì, khi bà còn được người mẹ dạy dỗ hãy cảnh giác với đàn ông, bà đã tránh được sự "lợi dụng" của một thằng con trai bằng tuổi. Đấy là hồi xưa, mẹ nói vậy. Giờ, ngần này tuổi, nghĩ về những ngày ấy, thật ngây thơ, có gì đâu. Mày cho tao thơm một cái, tao cho mày một bông. Một nụ hôn, đổi lấy một bông hoa nhài xinh đẹp. Chả mất gì. Cô bé ngày xưa đồng ý đổi, và nụ hôn đầu đời nhẽ ra phải được tính từ dạo ấy, nếu không có chuyện mẹ cô bé tình cờ bắt gặp, và nụ hôn không thành. Mẹ đánh, khuôn mặt sớm từng trải chua chát: Mày lấy hoa nhài làm gì hả con kia? Cô bé gào lên: Con thích hoa nhài. Mẹ hầm hầm: Tao cấm mày! Thứ nhất, không được mang hoa nhài cắm lên bàn thờ, đấy không phải chỗ trưng cái thứ hoa đĩ ấy. Cấm, tuyệt đối. Thứ hai: không được ngu ngốc thế này. Ai lại trao đổi cái kiểu mất dạy như thế. Tuyệt đối! Rõ chưa? Tuyệt đối! Người đàn bà nhắc lại, mỉm cười. Mẹ giờ thế nào? Dưới lòng đất sâu? Con biết, mẹ muốn tốt cho con. Có số rồi, mẹ à. Mẹ muốn con không được ngu ngốc, trong khi thiên hạ thường bảo ngu si được hưởng thái bình. Con muốn im lìm mà hưởng thái bình. Có được đâu. Con không ngu ngốc nữa. Con thèm hạnh phúc. Hạnh phúc là gì? Hay như anh điên kia. Liệu đó là người duy nhất bây giờ đang hưởng thụ hạnh phúc, thứ hạnh phúc mà chính anh ta cũng phải tìm kiếm, phải tạo nên? Bây giờ, khác trước rồi. Thế hệ là quá xa, chỉ cần nói đến từng tháng, từng năm, từng ngày... tất cả... Cần gì biết yêu, con kiếm được người chồng không cần yêu để chiều mẹ, để trả nợ cho mẹ, những món tiền vay trong những lần buôn chuyến thất bại. Bạn hàng của mẹ lánh xa, than nghèo, túng bấn, phủ đầu khi mẹ chưa kịp mở mồm van xin. Con đánh đổi đời, thế có phải là ngu ngốc không mẹ? Một nụ hôn đổi lấy một bông hoa, một tấm thân đổi lấy tiền. Trao đi đổi lại - là quy luật tất yếu phải không? Chẳng ai cho ai không cái gì bao giờ? Phải không? Người đàn bà như muốn hất tung những ý nghĩ đang quẩn quanh. Làm gì thế này? Mày, giờ cũng tử tế gì cho cam. Nhìn đốm thuốc lập loè, chợt nhớ những ngày đầu làm vợ. Biết làm sao khi bà chấp nhận, làm đúng phận sự đã là vợ phải chiều chồng. Đàn bà ai chả muốn người mình gắn bó sẽ yêu thương nhau suốt cả cuộc đời, mong ước nương tựa trên đôi vai cứng rắn, mong người ta chia sẻ bao dung. Ước thế, nhưng làm gì có nhiều những ngày tháng vui? Đêm tân hôn, người con gái hồi hộp dâng hiến, chứng tỏ tiết trinh, thứ gia tài duy nhất người mẹ ban và giữ để đêm nay cô mang ra đánh bài đổi lấy một con đường tìm hạnh phúc... Rồi ảo ảnh, rồi nát tan khi nhìn ánh mắt khinh khi của chồng. Thề thốt à? Thôi, đừng cho tôi đổ vỏ nữa. Đoan trang à? Tôi ỉa vào cái tiết trinh của cô. Tôi không ngờ. Mẹ con cô lừa tôi. Mặc cho nước mắt, mặc cho những lời thanh minh chưa từng đụng chạm quan hệ với ai khác của cô, người đàn ông phũ phàng bỏ đi. Thế là hết, nhục nhã. Tại sao? Tại sao lại không có? Tôi bị làm sao? Đâu? Cô nhìn như muốn xé nát tấm khăn trắng muốt kia. Đổi cái gì? Lấy cái gì? Tôi mong muốn người tôi chấp nhận lấy sẽ là niềm vui, là hạnh phúc của tôi, tôi muốn sống tử tế. Làm sao cô biết được người chồng cưới cô về vì nghĩ rằng một người con gái nhà lành trong trắng nhường kia ắt hẳn sẽ không bao giờ lừa dối ông ta, không bao giờ dám phản lại một con người luôn luôn nhận được sự may mắn trời cho.
Nước mắt không còn chảy trên má người đàn bà. Ngoài kia, những bộn bề của ngày tạm yên, im lìm trong tiếng thở thời gian. Đêm. Lại đêm. Đời là những ngày đen như đêm vậy thôi. Hay là cứ điên như người kia, để quên hết, để dìm đi, để không phải đi tìm nữa những khát khao thúc giục?
30% người phụ nữ không ra máu trong đêm tân hôn và điều đó không thể chứng tỏ cô ta đã có quan hệ tình dục. Sau này, người đàn bà mới đọc được điều đó trên báo chí. Chả để làm gì nữa. Dù sao, tình yêu không thể là dâng hiến, được dâng hiến, tiết trinh, trong trắng... những thứ ấy, đáng gì, nếu không hiểu nhau, không cảm thông, không tha thứ? Và tội lỗi duy nhất của cô là không ra máu trong đêm tân hôn, làm cho ông chồng nổi giận vì cho là mình bị xúc phạm.
Hai đứa con gái ra đời cách nhau chưa đầy năm kia, là kết quả trong những lần hiếm hoi quan hệ với nhau. Lúc đấy, là thế nào nhỉ? Người đàn bà châm tiếp một điếu thuốc.
Dưới vườn. Kì nằm. Mặt hướng về phía buồng ngủ của anh trai, tay cầm một vật gì đó. Kì ít ngủ, nhưng giấc ngủ hay mơ. Kì cười, Kì khóc, lúng búng, huơ chân huơ tay một chập rồi tỉnh, thức đến sáng. Nhà Kì chẳng bao giờ khoá cửa, có lẽ vì Kì hay thức. Kì lôi chiếc lược của mẹ ra chải tóc, chẳng hề biết có một người đang nhìn Kì. Con người đẹp thế kia, lành mạnh, không bệnh hoạn như những người mình đã gặp. Anh ta không phải lo lắng sống như thế nào. Cần gì phải bon chen, chẳng cần để ý xem người đời dòm ngó cuời chê gì. Tiếng thở dài tiếc nuối. Lại một đêm không ngủ. Triền miên, thức cũng nghĩ, cứ nằm lại nghĩ, tại cafe, tại gì?
Lần ấy, cô vợ trẻ vì không cam chịu ý nghĩ tại sao mình có chồng lại bị hờ hững cũng như không, cô tìm mọi cách chiều chuộng, hết mình để chồng thương yêu quay lại, và bỏ ý nghĩ con người cô gian dối. Hôm đó, ông sếp say rượu, chẳng nhớ gì nữa... Chỉ biết sáng hôm sau, ông lạ lẫm thấy mình nằm chung với vợ. Rồi ông tặc lưỡi, nó là vợ mình, lại đẹp, không thể phí được. Cô gái non tơ, khốn thay cái của ấy, một lần rồi lại thích lần sau, cô khao khát chờ đêm xuống, mong một đứa con sẽ nối dây tơ nguyệt bền thắm. Một đứa, một đứa gái nữa. Hai cô con gái xinh xắn, thơm từ đầu đến chân, rõ là con nhà giàu. Lúc này, tình phai càng phai hơn, tình nhạt nhẽo. Cô chán. Chán tất cả. Hai đứa con tự do, chúng đã lớn. Ham muốn còn nhiều, nhưng không phải với người đàn ông xa lạ kia, người được gọi là chồng kia. Cô hiểu rồi, mình không phải là thứ đồ vất đi, nín nhịn nhiều rồi khéo phát điên...
- Nếu anh đồng ý, chúng ta sẽ li dị?
- Tôi tóm lại một câu duy nhất thế này, miễn bàn cãi: Không li dị, chỉ li thân, ok?
Vậy là văn bản miệng đã thoả thuận. Mọi việc thế là đã rõ.
- Không ai xâm phạm đến ai, nể nhau tí chút, miễn đừng mang bồ bịch về nhà, đừng làm ảnh hưởng đến thanh danh của tôi, là chết đói, cô hiểu chưa?
- Tôi hiểu! - Người vợ nhếch mép.
Tự do.
Mình là người tự do. Một bữa cơm thịnh soạn cho cả nhà để mừng tự do.
Ngày trôi. Tự do đã thấy, nhưng tìm đâu ra một tình yêu ở cái tuổi 38? Giàu, mệnh phụ phu nhân, nhiều tiền, lắm của, thèm gì nữa? Khuôn mặt này, những nếp nhăn mờ mờ của bao đêm mất ngủ? Tai tiếng? Ăn vụng phải biết chùi mép? Cứ sống cái đã!
Đêm tàn. Người đàn bà mệt mỏi, Kì điên đã chải xong tóc, tiếng ồn bắt đầu vang lên trong bình minh. Kì bắt đầu những chuyến đi. Người đàn bà quay vào buồng mang theo nỗi buồn nặng trĩu. Ngày làm đêm, đêm làm ngày...
Kì mải miết đi trên phố. Đôi chân dài bước thẳng tắp. Đêm qua Kì mơ thấy có mấy cái cây trong ngõ Nhà Thờ. Con đường đó Kì chả lạ, ngày còn nhỏ, mẹ hay cho Kì chơi ở đó, còn mẹ vào dọn dẹp cho người chủ nhà. Kì không phá, Kì chỉ đi tìm cây dại, nhưng loại cây như cỏ, thân mảnh, mong manh, Kì giúp chúng chui vào bụng, cho nó sống chung với Kì, tất cả phải sum họp một nhà, như bố Kì muốn thế. Từ từ, tao chưa cho chúng mày vào mồm ngay đâu, tao cho vào cái bị cói này, phải rửa sạch chứ. Hôm nọ, tao thấy có thằng đứng phun nước từ trong người xuống đất, nơi chúng mày sống, có xót không? Vào đây, an toàn nhất, không sợ ai hại, không sợ con vật nào vùi dập, không phải tranh nhau uống sương nữa. Tao lo hết. Lòng Kì phơi phới. Tóc Kì bay bay. Trông Kì đầy sức sống. Khéo có người lại tưởng Kì đang yêu! Kì chả nghe thấy tiếng xì xồ trêu trọc của bọn trẻ: Chúng mày ơi, Kì điên đi như biểu diễn người mẫu kìa...
Về đến nhà. Kì mặc kệ chị dâu đang hớt ha hớt hải đi tìm cái đũa cả. Những ngày vui nhất của chị dâu, có lẽ là ngày lĩnh tiền lãi tiết kiệm. Kì ngồi cạnh mẹ, không còn âu yếm giụi đầu vào vai mẹ nữa. Kì lớn rồi, mẹ còn muốn về quê tìm vợ cho Kì nữa. Mẹ hỏi gì Kì chỉ gật gật, lắc lắc, làm mẹ chán, mẹ thở dài. Mẹ vuốt tóc Kì. Kì chớp mắt. Không ổn rồi, Kì phải xem cái lũ cây dại trong túi cói ra sao. Cho chúng mày vào bụng... Mẹ Kì lầm bẩm một mình: Nó lại lên cơn rồi... người như mày hiền lành, đẹp trai chứ có xấu gì đâu, bây giờ con gái ế đầy, về quê thiếu gì đứa, có khi lấy vợ lại hết điên đấy con ạ...
Chiều. Hoàng hôn mùa này đẹp nao lòng. Những ráng đỏ, hồng, tím cùng màu chiều có thể làm cho bao nhà thơ tức cảnh sinh tình. Bâng quơ nhưng sao như cố dội về, cho người ngắm hoàng hôn chợt thấy thời gian đang trình diễn vẻ đẹp lúc xế tà. Thời buổi mốt nhân tình, mốt bồ bịch... Giá mà được ngắm cảnh bên người đàn ông của đời mình thì hạnh phúc biết bao. Nhưng hạnh phúc đâu phải tự có nếu không tìm kiếm? Hai cô con gái đã lên đường đi Pháp. Vậy là lại chẳng còn ai để mà quan tâm, mà lấy cái đó làm lẽ sống. Đau lòng hơn khi bắt gặp nụ cười mỉa mai của ông chồng: vậy là bà rảnh nợ nhé, tôi tạo tự do cho bà đấy. Rồi đến lúc cũng phải học cho mình một cách sống khác, phải thử thì mới biết được, phải dấn thân, phải chấp nhận, dù thế nào đi nữa cũng là sống, không chết được, nghĩ vậy và làm. Người đàn bà cô đơn càng có cảm giác cả thế giới này lãng quên mình. Những chiều dạo quanh hồ, những con phố quen bước chân đi lặng lẽ. Đôi khi bọn đàn ông loáng quáng vài câu đi không em, sao buồn thế nhỉ?Chồng chê à?... Mặc cho những lời dèm pha, từng bước chân không cần định hướng. Bao lần ngắm mình trong gương, tự nhủ không thể sống mãi thế này, thế kia, phải thế này, thế kia... Rồi tự coi khinh sao mình lại hèn thế? Đời còn bao điều cần quan tâm hơn những nỗi buồn nhạt nhẽo. Không ai liều lĩnh tìm đến một con người khép kín dưới vỏ bọc của một bà vợ sếp đoan trang giàu có. Rồi con tim như tan chảy khi ngày qua ngày, đêm qua đêm, cuộc đời không có gì mới...
Kì ngồi nghỉ bên ghế đá. Đôi chân tưởng như không biết mệt mỏi đã bắt Kì dừng lại. Kì ngây ngây nhìn hồ nước. Trong hồ cũng có sóng. Lăn tăn, gợn nhẹ. Kì có cảm giác như được những làn sóng ấy mơn trớn. Bên kia, người đàn bà lặng lẽ ngắm Kì. Lạ thật, tại sao ta lại cứ quan tâm đến anh ta nhỉ? Có lẽ anh là một người sung sướng vì không biết đau khổ là gì hết. Việc gì phải sợ ai? Ai chấp người điên? Con mắt lướt qua bụng chân thon chắc nịch của Kì. Anh ta là một người tử tế, ít ra là vì anh ta không hại ai, không núp trong vỏ bọc dối lừa. Người đàn bà nghĩ. Chợt hai ánh mắt gặp nhau. Mặt Kì dài dại. Kì nhìn chăm chăm vào bộ ngực đầy đặn đang phập phồng như hồi hộp. Kì vẫn nhìn, rồi Kì từ từ tiến đến, đôi tay giơ ra như muốn tóm lấy vật gì đó. Hôm nay, đoạn đường quanh hồ vắng, không có ai ngoài hai người. Người đàn bà hơi sợ, rồi như tin tưởng một cách dũng cảm, lặng ngắm bàn tay Kì đang xoa lên ngực của mình. Thì ra, người đàn bà mặc một chiếc áo có in hình những ngọn cỏ xanh nõn cong cong. Kì thèm những cây dại đó, người đàn bà im lặng, tận hưởng sự đụng chạm thể xác tình cờ. Cảm giác an lành như bên một đứa trẻ ngoan ngoãn. Kì nhìn tay, lạ lẫm, rồi chợt bỏ đi. Tiếng thở dài hắt hiu như đuổi theo cái bóng khoẻ mạnh của Kì. Chiều tàn. Chuẩn bị một đêm dài nữa bắt đầu.
Kì là đàn ông, không phải là gỗ đá, trông cái đầu đơn sơ bé nhỏ, tưởng như chỉ nạp những hình dáng cây cỏ, chỉ nạp những bộ rễ cây lằng ngoằng, nay nạp thêm bộ mặt hiền lành của một người đàn bà, người có nhiều cây rất hấp dẫn với Kì.
Tin đồn Kì có người yêu, hay đúng hơn là có bồ, hình như là một bà nạ dòng nào đó chết mê chết mệt Kì điên. Thật là hết khôn lại dồn ra dại... chắc con mẹ đấy nó thế nào đó thì mới đi cả với thằng điên chứ? Đấy, đến thằng điên mà còn không tha, thằng điên mà còn có bồ, nữa là bọn thanh niên trai tráng, chả lẽ chúng mày kém cả thằng điên à? Ngoài hàng nước, ngoài bể nước, ngoài hàng quà, tin đồn cứ thế lan truyền....
Ông Tráng, thợ tỉa râu chuyên nghiệp cho Kì lấy tiền tháng dứ dứ con dao: tao không ngờ đấy, mày có bồ thật à? Đâu rồi? Xinh không? Tẩm ngẩm tầm ngầm mà số đỏ thế... Kì ngơ ngác, chả cần thanh minh, ai nói người đấy nghe. Vả lại việc đó không nằm trong những mối quan tâm của Kì. Chị dâu đi qua nhìn thấy Kì đang nằm ngửa trên ghế ông Tráng, chị bảo đã nghèo lại còn hoang, mẹ chiều lắm vào. Râu với chả dê, ông cứ cạo phắt đi cho tôi nhờ. Ông Tráng lẵc đầu không được, tôi đã công phu lắm với bộ râu của nó rồi, hơi bị sành điệu đấy, cô có phải mất tiền đâu mà lắm mồm thế nhỉ?Đúng là đàn bà... Ông vỗ vào má Kì cười hề hề bảo yên tâm đi tao làm đẹp cho chú mày rẻ như bèo, để chú mày còn đi với bồ nữa chứ nhỉ?... Vừa lúc, ngưòi đàn bà phóng xe máy qua, đôi mắt trìu mến nhìn Kì như đã hiểu nhau từ lâu rồi.
Người đàn bà làm sao quên được cái đêm hôm ấy. Khuya lắm rồi. Mảnh trăng bé tí ti, quắt queo lấp ló dưới đám mây không đủ sức soi rọi láng ướt trên vườn. Kì vẫn mải mê với những đám cây mãi mới biết có người đến sau lưng. Người đàn bà hiền lành gật đầu thân thiện, trên người, chiếc váy ngủ in hình toàn cây cỏ. Kì như bị thôi miên theo người đàn bà đi một quãng đường vòng đến nhà, cánh cổng mở sẵn, ngôi nhà có ban công nhìn ra vườn của nhà Kì. Hai người cứ lặng lẽ ngắm nhìn nhau...
Bây giờ, ít nhất có hai người mong chờ màn đêm buông xuống, Kì lại được nhìn thấy mặt người đàn bà có nhiều cây cỏ trên người, Kì lại được nâng niu, chiều chuộng. Người đó dạy Kì nói, rửa mặt cho Kì, kể cho Kì nghe, người đó không giống mẹ, người đó thương Kì. Trong con người Kì, một thứ tình cảm được đánh thức. Kì không còn ăn cây nữa, chỉ nựng những ngọn cỏ xanh hiền lành. Cả hai đều có cảm giác an toàn khi ở bên nhau, cứ như bây giờ, người đàn bà chỉ mong được gần gũi, chỉ bảo Kì. Nguời đàn bà không hề lo lắng như những ngày nào phải giữ gìn uy tín thanh danh cho chồng. Hạnh phúc có phải là khi cảm thấy mình sống có ích, sống không vô dụng, sống vì mọi người, và quan trọng hơn, sống trong sự thanh thản? Làm sao tôi có thể để tuột khỏi hạnh phúc của tôi được. Tôi không đòi hỏi, tôi không cần cái gì đó xa vời. Trước mắt tôi là bản tính nguyên sơ của một con người, và tôi thích, tôi yêu, tôi cảm thấy bình yên. Tôi sống!
Rồi cứ vậy, Kì đến như bản năng, như những con phố thân quen đi không bao giờ lạc. Không ai đòi hỏi ai cái gì. Tất cả là tự nhiên, tự nhiên như những ngọn cỏ dại... Mái tóc Kì được vuốt ve, Kì nghe những lời thủ thỉ bên tai, cái đó không nguy hại, cái đó hay, cái đó ru Kì ngủ.... và người kia, chừng như thích nói, cứ nói mãi, chả biết Kì đã ngủ, đầu nghẹo trên đùi người đó....
Đêm trôi nhanh.
Nhà tôi ở gần ngõ nhà Kì, mỗi lần thấy Kì điên đi qua, mọi người lại nhìn, lại bảo nhau, Kì đi dạo phố về rồi đấy. Kì cười, bẽn lẽn. Nghe nói Kì và người đàn bà đó đã sống với nhau, Kì đã bớt điên, chịu khó nói hơn trước. Chồng người đàn bà kia cũng đã cưới vợ khác. Bao nhiêu lời dèm pha vẫn còn nhưng sự đời cứ chấp mãi những lời nói nhẫn tâm vô tình ấy thì có lẽ cả thiên hạ này chẳng ai thiết sống nữa. Kì vẫn thích đi trên phố, chỉ ít hơn trước, mái tóc đã cắt ngắn, Kì sắp được làm bố mà. Kì thích áp tai vào bụng vợ, lắng nghe mầm sống nói gì với Kì. Vợ Kì xinh và trẻ hơn trước, chị tích cực ra vườn, trồng thêm những cây hoa rực rỡ, và tất nhiên, có cả những khóm hoa nhài, lặng lẽ toả hương trong đêm. Chị dâu đã bớt khó tính hơn, ý chừng hợp với cô em dâu nhiều tuổi lắm quần áo đẹp chả mặc đến. Thôi thì chị cứ lấy mà dùng... Bà mẹ sung sướng sau nhiều lần khóc lóc, chả hiểu con đĩ ấy có gì mà đến con bà điên nó cũng không tha. Bây giờ bà đã hiểu rồi, bà cười bảo chúng nó yêu thương nhau thật lòng, mà con dâu tôi nó còn chữa được bệnh cho chồng nó, thế là nhất rồi...
Thỉnh thoảng, vợ Kì lại đến khám thai ở phòng mạch tư của tôi. Người đàn bà không còn những nét ưu tư trên khoé mắt như thuở nào. Niềm vui chăm chút cho đứa con sắp ra đời, trồng cây, trị bệnh cho chồng làm cho chị thêm bận rộn.
Đến bây giờ, ngày lại là ngày, đêm lại là đêm, khi mọi người đã tạm thời tìm thấy hạnh phúc, cho dù phải đi tìm kiếm nhọc nhằn trong đau khổ, thứ hạnh phúc ấy chắc sẽ được nâng niu giữ gìn, không gì có thể đánh đổi được.
Hà Nội 3/2003
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Post a Comment
Ghi lời nhận xét của bạn vào khung dưới đây. Trong mục "Nhận xét với tư cách", nếu bạn không có các tài khoản Google, Wordpress,... thì có thể chọn "Tên/Url": Ghi nickname bạn muốn hiển thị và ghi Link bạn muốn giới thiệu với mọi người(blog hoặc website..., bạn có thể bỏ trống phần này). Hoặc nếu bạn muốn ẩn danh thì chọn phần "Ẩn danh". Sau đó click vào "Đăng Nhận Xét"!
- Đề nghị các bạn không nói tục, nói bậy, dùng những lời lẽ quá khích khi nhận xét. Những trường hợp như vậy mình sẽ xoá ngay.