Cậu chủ tên là Long, theo tôi nghĩ, là một người quái đản. Bình thường, cậu vẫn gọi tôi là Hoa, nhưng thỉnh thoảng hứng lên lại gọi tôi là Vịt. Tôi mà là Vịt? Nếu cả hai mà cùng ở quê, tôi đã mắng cho cậu một trận nhớ đời, vì tôi đã từng là hoa khôi của lớp 10A trường huyện. Vậy mà lên Hà Nội, tôi lại biến thành Vịt, thế mới tức.
Cậu Long năm nay học lớp 11, cũng chỉ bằng tuổi tôi. Tôi vì hoàn cảnh phải đi “giúp đỡ hai bác việc nhà” nên mới phải bỏ học, chứ không thì… đừng có mà hòng. Ở quê tôi, con trai con gái bằng tuổi nhau thì con trai cứ phải gọi con gái bằng chị. Còn ở Hà Nội, chỉ vì cậu Long là cậu chủ nên mới dám lên mặt như thế.
Căn nhà này cũng quái đản nốt. Nó có cái gì khiến tôi thấy bức bối khó chịu mà không thể giải thích. Cả nhà đi biền biệt suốt ngày, ở nhà chỉ còn mình tôi, lau chùi, dọn dẹp, cho chó cho mèo ăn, giặt giũ cho cả nhà, đến bữa thì nấu cơm, rửa bát, nói chung tất tật công việc nội trợ. Càng gần đến ngày Tết tôi càng thấy lo hơn, như ở quê tôi, Tết là tối mắt tối mũi. Nhưng may thay, năm nay ông chủ quyền to nhất nhà là bác Phương đã tuyên bố “tiến hành cải cách triệt để” - là không gói bánh chưng, không làm mứt, không kho cá, không thổi xôi, tất cả ra siêu thị đem về! Tôi thở phào nhẹ nhõm. Buổi tối, tranh thủ lúc đổ rác, mấy cô ôsin châu mỏ vào nhau thông báo tin tức. Thì ra, cả cái khu nhà sang trọng này đều thế, đi siêu thị! Miễn gói bánh chưng!
Nhưng dù sao, lòng tôi đã quyết, đây là năm cuối cùng, Tết cuối cùng tôi ở với họ. Tôi đã thưa chuyện với hai bác chủ, từ ngày mai, tôi xin phép về với mẹ, xin phép thôi không làm "nội trợ" cho hai bác nữa. Tôi nhớ nhà, tôi muốn đi học trở lại...
***
Lúc này, tôi đang phải lau chùi bộ bàn ghế gụ to tướng ở phòng khách. Đến cái bộ bàn ghế cũng quái đản. Màu thì đen thủi đen thui. Chạm khắc thì cầu kỳ. Lưng tựa của bốn cái ghế chạm khắc bốn kiểu cây chẳng ra cây, cối chẳng ra cối, lá không ra lá, quả chẳng phải quả. Tôi phải vo tròn giẻ lau, đút vào những cái lỗ bé xíu, kéo đi kéo lại cho kỳ hết bụi. Dù sắp đi, nhưng tôi vẫn cố gắng làm thật tốt mọi việc. Tôi vừa lau, vừa lẩm bẩm: Bàn ghế ơi, đây là lần cuối cùng tao lau chùi cho chúng mày đây...
- Vịt!
Bất ngờ, cậu Long từ ngoài đường nhảy xổ vào, kêu to, làm tôi giật bắn người. Kiểu này là lại có chuyện gì đây. Bình thường, cậu Long trầm lặng, ít nói, nhưng cục tính, dễ cáu. Thỉnh thoảng cậu lừ lừ đôi mắt, nặng chịch khuôn mặt làm tôi phát khiếp. Nghe cậu gọi, tôi cứ lơ đi. Tôi ra vẻ ngoan ngoãn, vẫn chăm chú lau chùi. Cậu có gì đó đặc biệt, nhảy lò cò một vòng quanh tôi - đúng hơn là quanh bộ bàn ghế - rồi rút từ trong túi ra một gói nhỏ bọc giấy trang kim lấp lánh:
- Này, Vịt, tặng ấy nhân ngày Tết. Mà, ấy định thôi không làm cho nhà tớ nữa à?
Cái gói trang kim lập lòe trước mặt, thật ngứa mắt. Tôi giơ tay cầm lấy, lẳng lặng vứt toẹt ngay vào xô nước bẩn bên cạnh. Đừng có mà coi thường tôi!
Cậu Long đần mặt.
Đây không phải lần đầu tiên tôi với cậu "có chuyện". Hồi mới đến làm, được đúng hai tuần thì cậu lừa lừa lúc tôi đang ngủ cắt xoẹt ngay một bên đuôi sam của tôi. Tôi điên tiết, nhảy chồm chồm, định cho cậu ta một trận. Nhưng rồi tôi dằn lòng lại. Dù sao, tôi cũng là đứa đi làm thuê, còn cậu lại là con cưng của ông chủ. Đêm hôm ấy, tôi chẳng thể cầm được nước mắt vì nuối tiếc mớ tóc dài mượt, vì tức tối, vì tủi thân. Và còn vì cả hai tuần căng thẳng đầy thử thách. Và vì cả ba tháng vất vả và cực nhục trước khi bước chân vào cánh cửa nhà này...
Bố tôi mất sớm, đến giờ tôi cũng không rõ ông bị bệnh gì mà mất. Nhà chỉ còn mẹ, tôi và em gái bé bỏng. Việc gì cũng đến tay ba mẹ con, kể cả đào đất đá ong đóng gạch, trộn đất trát tường. Nhà tôi ở chân một quả đồi nhỏ vùng trung du, sau nhà là cả một rừng bạch đàn lúc nào cũng xanh mướt và thơm nức mùi dầu bạch đàn. Dù nhà nghèo nhưng tôi vẫn được đi học đến lớp 10. Buổi sáng, khi miệng giếng còn bốc khói mờ mờ, tôi đã dậy chuẩn bị rửa củ (quê tôi gọi khoai là củ), nấu cơm cho cả nhà, băm một rổ bèo, rồi mới leo lên cái xe đạp cà tàng đến trường. Còn em gái tôi dắt trâu đi chăn, mẹ nấu cám rồi ra đồng. Buổi trưa đi học về, lẽ ra đi đường thẳng ngắn hơn, nhưng tôi vẫn thích vòng một đoạn để đi theo bờ con sông đào lúc nào cũng ăm ắp nước, rồi qua cầu treo, rồi vòng qua một quả đồi rồi mới về nhà. Con đường đất đỏ kêu sào sạo dưới bánh xe nghe rất thích. Nhiều khi tôi dừng xe, tranh thủ leo lên sườn đồi cắt giàng giàng về làm củi đun, vừa cắt vừa liếc tìm xem đã có quả sim nào chín chưa... Giàng giàng đun sướng lắm, khi cháy lửa reo reo phần phật, vui tai vô cùng, và khi đó đôi má nóng ran ran... Lũ con trai rất hay nhìn trộm tôi, tôi biết, và đêm nào cũng hãnh diện thầm một mình.
Thế rồi mẹ tôi ốm. Nhà vẫn cứ phải ăn, phải thuốc men, phải mua cái này cái nọ. Ruộng thì chẳng ai làm. Có bác Hoành trên Hà nội về, thấy tôi khỏe mạnh ngoan ngoãn, bác bảo sẽ xin cho đi giúp việc một bà người quen trên ấy, tiền công tính ra còn hơn hẳn làm ruộng phập phù. Thế là tôi đi, vĩnh biệt học hành, sách vở gói lại, mọi việc nhà trông cậy vào con em gái mười hai tuổi và bà ngoại ở gần.
Bác gái ở nhà tôi giúp việc tính tình rất lạ lùng. Khi có khách hay khi ra ngoài, bà sởi lởi dễ thương dịu dàng, nói năng nhỏ nhẹ, ăn mặc son phấn đẹp đẽ, ấy thế mà khi ở nhà không có người lạ bà trở nên khác hẳn, suốt ngày cáu kỉnh và đầy nghi ngờ hết thảy mọi người, từ chồng đến con. Được cái, bà rất cẩn thận dạy tôi cách dùng máy giặt, cách là quần áo, cách nấu thức ăn, cách ăn nói nhỏ nhẹ. Nhưng tệ hại nhất là bà thường trực nỗi nghi ngờ tôi lấy một cái gì đó của bà mà chưa xác định được. Giúp việc cho bà ba tháng dài như ba năm. Rồi đùng một cái, đúng cái ngày tôi diện bộ quần áo đẹp nhất định ra phố mua quà về cho mẹ thì bà sa thải tôi.
May quá, bác Hoành lại ra tay kịp thời. Bác xin cho tôi giúp việc nhà khác, là anh con dì con già của bên thông gia nhà em con ông chú của bác Hoành, với danh nghĩa không phải là ôsin, mà là cô cháu gái nội trợ, oai không? Tuy lằng nhằng thế, nhưng cũng là họ hàng hang hốc, không sợ bị bắt nạt, thu nhập khá hơn. Và thế là tôi đã khăn gói đến nhà bác Phương...
***
Bác Phương to béo, có cái nhìn như thấu tâm can người ta. Mới đến, bác đã sai tôi giặt quần áo. Tôi lựa quần áo sáng màu để riêng, quần áo cậu Long giặt riêng, vì bẩn khủng khiếp, còn cái quần nhung của bác gái - tên là Lan - tôi vò tay giũ tay cho khỏi hỏng. Giặt xong, tôi lau chùi máy giặt cẩn thận. Suốt 2 tiếng đồng hồ, bác Phương kê ghế ngồi đọc báo gần đó. Xong xuôi, bác bảo bác đã từng trả về quê đến ba cô cháu gái chỉ vì không biết phân biệt màu quần áo, không biết lau sạch máy sau khi dùng. Tôi hú vía, thầm cám ơn cái bà đã sa thải tôi vì đã dạy tôi đủ điều.
Bác Phương buôn bán gì chẳng biết, đi suốt, bảy ngày thì sáu ngày không ăn cơm nhà, nhưng giàu lắm, thỉnh thoảng tôi thấy bác về ném cho bác Lan cục tiền to tướng, bác Lan lại cất vào cái két to tướng. Bác Lan là cô giáo, nhưng sao trông phiền muộn suốt ngày, chẳng có học trò đến thăm, ngay cả ngày 20 tháng 11 cũng vậy, và cũng ở trường suốt, tối mới về nhà. Cậu Long, suốt ngày mất mặt. Mà khi có mặt ở nhà là bắt đầu phá phách hết cái nọ đến cái kia. Cô út học lớp bảy mà cũng... đi học suốt ngày. Hai anh em mà như mặt trăng mặt trời. Thành thử cả cái nhà rộng mênh mông có mình tôi cai quản, được cái phòng nào cũng khóa, tủ nào cũng khóa, nên tôi thấy yên tâm. Tôi có một con chó và một con mèo làm bạn, chúng yêu quý tôi hơn chủ chúng nhiều. Cái đêm hôm tôi khóc ấm ức vì bị cậu Long cắt trộm một bên đuôi sam, con chó suốt đêm nằm dưới giường tôi, thỉnh thoảng rên ư ử như thông cảm với tôi, còn con mèo cuộn tròn trong lòng tôi, thỉnh thoảng lại xòe móng ra bấm nhẹ lên tay tôi.
Hôm sau, nhân lúc cậu Long về nhà, tôi lôi cậu xuống bếp - là nơi thân thuộc nhất của tôi, dễ nói chuyện nhất. Khổ thân cậu còi, con trai thành phố ẽo ợt như cỏ lau. Tôi chất vấn tại sao lại cắt tóc tôi. Cậu bảo tôi quê lắm, đi đường mà lủng lẳng đôi đuôi sam là dễ bị trêu ghẹo, dễ bị dụ dỗ bán lên biên giới, con gái bây giờ phải tóc ngắn, hiểu chưa? Tôi chẳng hiểu gì cả. Vậy cậu cắt tóc tôi là có lòng tốt à? Đương nhiên, cậu bảo, trông còn xinh lên nữa. Bất kể chủ hay tớ, tôi đã quại cho cậu một quả vào lưng, giống như hồi ở quê tôi đã cho một thằng cùng lớp ăn đấm vì hỗn láo. Cậu nhăn nhó mất mấy ngày, tôi lo lắng mất mấy ngày vì sợ mất việc, rồi mọi chuyện cũng qua. Dần dần, tôi thấy tóc ngắn cũng... xinh!
Đến tháng sau, cậu ta lại giở trò ma dọa tôi. Cậu lấy tấm ga trắng trùm kín đầu, nửa đêm mò xuống bếp gần chỗ tôi ngủ, ú ớ hoa chân múa tay. Tôi mở mắt, thấy vậy run hết cả người, nhưng sau phát hiện ra con chó nằm chân giường vẫy đuôi, thế là tôi biết tỏng trò nghịch của cậu. Tôi thầm thì: ôi con ma, khiếp quá, khiếp quá, rồi vớ lấy cái chổi quật lia quật lịa vào con ma, làm con ma chạy vù lên gác.
Dần dà, tôi phát hiện cậu Long là cả một mớ mâu thuẫn. Cậu bảo cậu căm thù chuyện học hành, nhưng có lúc lại học như điên. Mấy lần cậu xuống bếp, vớ lấy một cái bát hay một cái cốc đập vỡ tan tành rồi bỏ đi. Có lúc cậu bảo cậu đốt nhà cho cả nhà biết tay, nhưng có lúc lại đỡ đần tôi việc quét nhà. Gớm khiếp, ai cần cậu đỡ, bẩn vẫn hoàn bẩn, vẫn phải thân tôi đi quét lại.
Và hôm nay, lại còn giở trò tặng quà Tết nữa chứ! Không thấy tôi đang lau bàn ghế à, lau nhanh rồi còn xin phép về quê chứ! Còn phải lo cái Tết cho mẹ, cho em chứ! Hôm qua tôi đã nói với cô Lan chuẩn bị thanh toán tiền công cho tôi...
- Cậu không đi mua cành đào à? Thấy bác bảo đấy là việc của cậu? - Thấy Long vẫn đứng đó, tôi thấy động lòng, dù sao thì ngày Tết cũng không nên vứt quà của người ta vào sọt rác.
- Không đi. - Long nhấm nhẳn.
- Sao thế?
- Nghe đây, Vịt. Tớ nghĩ kỹ rồi. Ấy mà đi thì tớ buồn lắm. Cái nhà này như cái nhà ma. Không có ấy, tớ thấy... thấy... cô đơn...
Tôi phì cười.
Cậu Long đi.
Tôi bắt đầu xắn tay áo lau cầu thang.
Buổi tối, mọi việc đã xong.
Đêm, mọi người đã đi ngủ hết, tôi đã gói ghém xong đồ, tiền công đã nhận, khoan khoái và nhớ nhà da diết. Lúc ấy, bất đồ cậu Long xuống nhà gặp tôi. Cậu đưa tôi một túi nylon đầy sách và khá nhiều vở mới, cả một gói to đầy bút bi.
- Hoa ạ, - cậu nói - tớ biết hoàn cảnh nhà ấy, nhưng bỏ học thì không nên. Con gái hiện đại tóc phải ngắn, đầu phải to, tức là chứa nhiều chữ. Tặng ấy sách vở. Nhớ là dù gì thì ấy cũng phải cố đi học tiếp đấy.
Lần này, tôi nhận.
Sáng hôm sau, cậu Long đèo tôi ra tận bến xe. Trời đầy sương mù giăng giăng. Phố phường giáp Tết người đi lại đông nghìn nghịt.
Tôi lên ô tô, thò đầu ra nhìn cậu. Mãi đến khi xe chạy, tôi còn nghe thoảng tiếng gọi với theo:
- Vịt ơi, Vịt ơi...
Vịt ơi!
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét
Post a Comment
Ghi lời nhận xét của bạn vào khung dưới đây. Trong mục "Nhận xét với tư cách", nếu bạn không có các tài khoản Google, Wordpress,... thì có thể chọn "Tên/Url": Ghi nickname bạn muốn hiển thị và ghi Link bạn muốn giới thiệu với mọi người(blog hoặc website..., bạn có thể bỏ trống phần này). Hoặc nếu bạn muốn ẩn danh thì chọn phần "Ẩn danh". Sau đó click vào "Đăng Nhận Xét"!
- Đề nghị các bạn không nói tục, nói bậy, dùng những lời lẽ quá khích khi nhận xét. Những trường hợp như vậy mình sẽ xoá ngay.