Sau ngày tận thế
Alberto Banasco
__Những cơn sóng biển hung dữ ào ạt xô vào bờ và cuốn phăng đi tất cả những gì chúng gặp trên đường, rửa sạch phần bờ nó xô đến rồi quay lui về biển.
Giữa những cây cọ cụt đầu, tro tàn và băng đá, số ít những người sống sót đã tìm được chỗ trú ẩn cho mình. Mặt trời chỉ hơi ló dạng sau những đám mây và mưa lại trút xuống. Giữa những vòi rồng được tạo nên do bụi và khói, cuộc sống bị làm cho tan tác, mất trí vẫn bám chặt lấy sự tồn tại của mình.
Người đi một ủng (đã bị mất một chiếc) bò ra ngoài cửa hang và sợ sệt ngó nhìn. Hai người khác; một hói, một chột, đi tới đi lui ở bên ngoài. Có ai đó đã nhóm lên một đống lửa. Người đi một ủng nhìn thấy con rết ở bên cạnh và giẫm bẹp nó. Sau đó anh vươn cổ và lại nhìn ra ngoài.
- Giờ thì anh ra được rồi - người hói đầu nói - không có gì đe dọa anh nữa cả. Ra sưởi ấm đi.
Anh bò ra khỏi hang, đứng dậy và co một chân nhảy lò cò về phía đống lửa. Đến bên đống lửa, anh ngồi xổm xuống, ngái ngủ lắc lư người và cứ ngồi trong tư thế đó. Một lúc sau người chột mắt cũng đến và ngồi xuống cạnh đống lửa.
- Thế là chúng ta tập trung lại đây - người hói đầu nói.
Trong truyện ngắn viễn tưởng như một câu chuyện ngụ ngôn hiện đại này, sau thảm họa khủng khiếp đã hủy diệt nhân loại, những người còn may mắn sống sót đã tập hợp lại bên nhau và bắt đầu làm lại cuộc sống trên Trái đất bằng chính những kiến thức - cái nền tảng đã xây dựng nên thế giới và cũng có thể tiêu diệt thế giới...
Hai người kia lầu bầu một câu gì đấy để bày tỏ sự đồng ý của mình. Rồi họ im lặng. Im lặng hơn một tiếng. Trong lúc đó các con họ đã từ trong hang chui ra. Thân hình một đứa trông như con thỏ nhỏ, nó phình ra ở bên dưới, và khi đứa trẻ chuyển động nó xệ sát xuống mặt đất. Đứa kia trông giống một cái cây, và hai cánh tay như những cành cây gãy khúc. Đứa thứ ba trông giống một phôi thai lớn.
- Cần phải làm một cái gì đó - người hói đầu nói.
- Nhưng làm gì? - người chột mắt hỏi.
- Tôi không biết. Phải cứu lấy một cái gì đó - người hói đầu trả lời.
- Chẳng còn gì để cứu - người đi một ủng nói.
Họ lại im lặng, và một giờ trôi qua trong im lặng; âm thanh nghe thấy chỉ là tiếng gào thét, kêu khóc của lũ trẻ con đang giận dữ cào xé nhau và đẩy nhau đến sát bờ dốc.
- Không thể cứ tiếp tục thế này được, chúng ta phải chấm dứt việc theo dõi nhau như kẻ thù - cuối cùng người hói đầu nói – Vì chúng ta chỉ còn lại ba người, ai cũng có con, và nhất định phải làm một cái gì đấy.
- Thế chúng ta có thể làm gì? – người đi một ủng hỏi.
- Tôi xin giải thích - người hói đầu nói – mỗi người trong chúng ta đều có những kiến thức nhất định. Chúng ta có thể ghi chép lại tất cả những cái đó để có thể để lại cho con cháu chúng ta dù chỉ một chút gì đấy. Vì chúng sẽ phải bắt đầu lại từ đầu, những gì chúng ta ghi chép được sẽ ít nhiều giúp ích cho chúng. Thí dụ như - anh ta quay sang hỏi người chột mắt - anh tên là gì? Anh làm nghề gì? Tôi tên là Antonio Morales. Tôi làm việc ở cảng, chịu trách nhiệm bốc dỡ hàng.
- Tên tôi là Silba - người chột mắt nói – tôi là nhân viên văn phòng.
Cả hai quay sang nhìn người đi một ủng.
- Tôi là Anderson. Quản lý ở một cơ quan... Lửa sẽ tắt mất.
- Đừng lo, sẽ không tắt đâu. Anh hãy quẳng thêm thanh củi vào. Cảm ơn. Các anh biết đấy, tôi đã quen... có thể nói thế này... nói chung là một người tổ chức – vì tôi chính là một người tổ chức ở trên cảng. Còn anh, Silba, anh làm việc trong văn phòng nên có lẽ biết nhiều hơn chúng tôi.
- Vâng. Tôi có đọc chút ít, nhưng tất cả chỉ sơ sơ thôi. Tiếc là chúng ta không có giấy... Có thể viết lên những tấm thủy tinh bẩn này, tôi đã gom chúng lại được nhiều. Nào, chúng ta bắt đầu...
Silba đăm chiêu suy nghĩ và nhìn thẳng vào ngọn lửa. Lạnh và hình như cả một tuần nay anh cảm thấy lạnh, có lẽ là do anh đã không ăn uống gì cả. Anh biết gì? Anh biết rằng một sản phẩm khủng khiếp của sự tiến bộ mà chỉ số ít người đạt được đã đem lại tai họa, và giờ đây họ chỉ còn lại ba người cùng với những đứa con, bộ dạng chúng khiến phải kinh hoàng, và ba người bọn họ đang hi vọng có thể cứu vãn được chút gì đó. “Nero (1)!” – anh chợt nhớ. Trước đây anh đã xem một bộ phim về vị hoàng đế La Mã này.
- Tôi biết câu chuyện về Nero - anh nói thành tiếng – chúng ta có thể bắt đầu từ ông ta.
- Tốt đấy! – Morales, rõ ràng là đã tỉnh táo lại, thốt lên – Nero, mà tiếp theo là Christ (2). Một khởi đầu tốt đẹp. Nero sống năm bao nhiêu nhỉ?
- Tôi không nhớ. Tôi chỉ nhớ là cùng thời với Julius Caesar. Theo tôi, khoảng năm thứ 300 trước Công nguyên.
- Thế Christ sống vào thời nào?
- Cũng vào thời đó, tôi đoán vậy.
- Tuyệt rồi - Và Morales bắt đầu ghi chép. Thế anh còn biết gì nữa không? Thí dụ về Julius Caesar.
- Nero đã đốt cháy thành La Mã. Julius Caesar đã lập nên đế chế.
- Thế ông ta không xây dựng thành La Mã lại à?
- Theo tôi thì không.
- Thôi được - người hói đầu nói - điều này không có ý nghĩa. Thế anh biết gì về những người Hi Lạp?
- Người Hi Lạp sống trước đó.
- Chính xác là khi nào?
- Hơn 1.000 năm trước Công nguyên. Họ đã đánh nhau với người Sparta (3).
- Và ai thắng?
- Theo tôi không ai cả. Từ đó mà có thành ngữ “chiến thắng của Pirr”.
- Pirr (4) là tướng của quân Sparta?
- Phải, anh cứ ghi thế.
- Xong rồi. Nhưng theo tôi, chúng ta làm chưa đúng. Cần phải bắt đầu từ khoa học tự nhiên - Morales nói - còn anh, Anderson, anh chịu trách nhiệm về cả một cơ quan hành chính; có lẽ anh biết điều gì đó về điện.
- Không, tôi chẳng biết để làm gì cả. Thay cái bóng đèn bị cháy thì tôi có thể. Tôi còn biết về dòng điện, có dòng điện dương và dòng điện âm.
- Thế điện là gì? – Morales hỏi – Nó được làm ra như thế nào?
- Như thế nào à?... Nó được sản xuất trong nhà máy. Còn chính xác như thế nào thì tôi không thể nói được. Ở trong các nhà máy có các đường dẫn, dây cáp. Còn có cả các máy phát điện. Mà máy phát điện là cái gì? Con cái chúng ta hẳn cũng nên biết về nó.
- Thế còn anh, Silba, anh là nhân viên văn phòng - Morales tiếp tục – Anh hãy cho chúng tôi biết máy phát điện là gì?
- Đó là các vòng dây, chúng quay và sinh ra điện.
- Chúng còn sinh ra gì nữa?
- Phải chăng điện là còn ít?
- Anh ghi vào đi - Anderson nói.
- Xong rồi - Morales trả lời.
- Còn anh biết gì? – Anderson hỏi Morales.
- Tôi biết cách bốc xếp hàng trên boong tàu, hoặc là xếp vào trong phòng lạnh - Morales trả lời – nhưng ở đây không có tàu có phòng làm lạnh, cả việc khuân vác chúng cũng không.
- Anh không biết gì hơn về những con tàu à? – Anderson hỏi.
- Tất nhiên là biết. Tôi có thể vẽ nó và gọi tên từng bộ phận của con tàu.
- Chẳng hạn, tại sao tàu không bị chìm?
- Tại sao nó không chìm à? Tại vì nó rỗng. Ở chừng mực tôi biết thì ở đây theo một qui luật vật lý.
- Định luật Newton - cựu nhân viên văn phòng giải thích.
- Chính xác, Newton. Anh biết gì về Newton?
- Các anh đợi chút:... Định luật Newton nói về lực vạn vật hấp dẫn. Qui luật này áp dụng cho toàn vũ trụ.
- Chính vì thế tàu không bị chìm?
- Không hẳn. Nó không bị chìm là do một nguyên nhân hoàn toàn khác. Nước không để cho nó chìm.
- Thế còn gì làm nó không chìm nữa?
- Tôi đã nói với các anh rồi. Định luật Newton.
- Thế là chúng ta đã tiếp cận với khoa học thật sự - Morales nói và ghi nhanh lên tấm kính bẩn – Thuyết tương đối là gì?
- Ồ, thuyết tương đối! Điều này liên quan đến Einstein(5) - Silba giải thích - Ông ấy đã khám phá ra nó, tạo nên một bước ngoặt trong vật lý học. Ông ấy nói rằng tất cả chỉ là tương đối.
- Được rồi - Morales nói rồi bỏ tấm kính đã ghi kín sang một bên và cầm lấy tấm khác – Tất cả đều tương đối. Anh có nhớ một công thức nào đó của nó không?
- Không. Đợi đã... tôi nhớ ra rồi. Nó nói rằng vận tốc ánh sáng là 300.000km/phút.
- Anh chắc là trong một phút chứ? Nó có quá nhanh không đấy?
- Không đâu. Tôi nhớ chính xác mà.
- Tuyệt vời. Thế anh biết gì về hình học?
- Định lý của Pythagore - Silba trả lời, con mắt duy nhất của anh bắn ra niềm vui.
- Nó nói về điều gì vậy?
- Đó là phương pháp đo các cạnh của một tam giác. Các anh đợi chút... Pythagore cho rằng... Có lẽ chưa nên ghi vội... bình phương của cạnh huyền bằng bình phương của một cạnh góc vuông.
- Anh có thể giải thích điều này cho tôi không?
- Vâng, các anh nhìn xem. – Silba lấy một con dao, việc này khiến hai người kia lo lắng; nhưng anh ta dùng nó để kẻ trên nền đất cháy bỏng một tam giác vuông. – Các anh thấy chưa? Ở đây có phải là bình phương của cái này - và anh vẽ một hình vuông trên cạnh huyền - thì bằng bình phương cạnh này. Anh lại kẻ thêm hình vuông khác có một cạnh là cạnh góc vuông nhỏ.
- Nhưng chúng không bằng nhau.
- Đấy chỉ là cảm thấy thế khi các anh nhìn, còn theo toán học thì chúng bằng nhau. Vì vậy Pythagore đã phải chứng minh điều này.
Họ cứ tiếp tục cho đến tận cuối ngày, cho đến khi người hói đầu chưa quyết định rằng hôm nay như thế là đủ; sáng hôm sau họ gọi các con của họ lại và dưới cơn mưa không ngớt, trong thế giới đã bị hủy hoại bởi những con người hiểu biết rộng, họ lại bắt đầu truyền đạt những mẩu kiến thức đã được lưu lại trong trí nhớ của riêng họ cho những đứa con dị dạng của mình; chúng nhìn họ bằng những đôi mắt vô hồn và im lặng lắng nghe họ.
- Hai bình phương bằng bốn. Tương tự, tám bình phương bằng mười sáu, còn mười hai bình phương bằng hai tư. Để có được bình phương của một số, hãy nhân số đó với hai...
Đông Tây Kiệu Diệp dịch
(1) Claudius Caesar Nero: hoàng đế La Mã từ năm 54-68 sau Công nguyên
(2) Chúa Jesus
(3) Sparta: một thành phố - quốc gia Hi Lạp cổ, nằm ở phía nam bán đảo Peloponnec. Sau cuộc chiến xảy ra vào thế kỷ 8-6 trước CN Sparta trở thành một quốc gia hùng mạnh
(4) Pirr (319-273 trước CN): sa hoàng của Epir, một nước cổ đại thuộc Bắc Hi Lạp, đã chỉ huy quân của thành Tarenta
(1) Claudius Caesar Nero: hoàng đế La Mã từ năm 54-68 sau Công nguyên
(2) Chúa Jesus
(3) Sparta: một thành phố - quốc gia Hi Lạp cổ, nằm ở phía nam bán đảo Peloponnec. Sau cuộc chiến xảy ra vào thế kỷ 8-6 trước CN Sparta trở thành một quốc gia hùng mạnh
(4) Pirr (319-273 trước CN): sa hoàng của Epir, một nước cổ đại thuộc Bắc Hi Lạp, đã chỉ huy quân của thành Tarenta
khiep' >:-ss
Trả lờiXóa